Khoản lương 30 bath (khoảng 20.000 đồng) mỗi ngày của cụ bà không thể mua được bất kỳ thực phẩm nào để nấu ăn tại nhà.
"Nếu không xin được suất ăn miễn phí, tôi buộc phải ăn bánh mì với sốt cà chua bởi đó là món rẻ nhất", người phụ nữ 73 tuổi nói trước lều phát thức ăn của Tổ chức Trợ giúp cộng đồng Bangkok (Thái Lan).
Đây là nơi cung cấp bữa ăn cho 500 người vô gia cư và người nghèo hàng ngày trong thành phố.
Nhiều người cao tuổi nhận suất ăn miễn phí trước lều giao bữa ăn của Tổ chức Trợ giúp Cộng đồng Bangkok (Thái Lan) tháng 10/2023. Ảnh: Lillian SUWANRUMPHA / AFP
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Thái Lan là một trong những quốc gia dân số già hóa nhanh nhất thế giới. Nghiên cứu từ Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan ước tính đến năm 2029, quốc gia này sẽ gia nhập danh sách các xã hội siêu già, với hơn 20% dân số trên 65 tuổi. Nhưng nước này vẫn chưa đạt được mức độ giàu có như một xã hội già hóa khác như Nhật Bản và Đức.
Burin Adulwattana, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Kasikorn cho biết: "Chúng ta đã già trước khi trở nên giàu và chưa sẵn sàng để bước vào giai đoạn này".
Hiện Thái Lan có hơn 12 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 18% dân số. Thu nhập thấp, tiết kiệm hạn chế và lương hưu không thỏa đáng đồng nghĩa với việc nhiều người phải chịu cảnh nghèo đói cùng cực. Trong khi ít người nộp thuế hơn và chi tiêu y tế dự kiến tăng gấp ba sẽ trở thành gánh nặng tài chính rất lớn.
Thông kê từ Kasikorn, tình trạng nghèo đói ở người lớn tuổi đã lan rộng, với 34% người cao tuổi Thái Lan sống dưới mức nghèo khổ, với mức thu nhập dưới 30.000 bath (20 triệu đồng) mỗi năm.
Burin cho biết, để nghỉ hưu ở Bangkok cần ít nhất 3,6 triệu bath tiền tiết kiệm, nhưng nhiều người Thái đang nghỉ hưu với số tiền dưới 47.000 bath. Đáng chú ý, vào tháng 8, chính phủ thông báo đang hạn chế mức trợ cấp trước đây ở mức từ 580 đến 980 bath một tháng cho những người có thu nhập thấp, khiến 6 triệu người bị cắt giảm. Đến tháng 9/2023, Bộ trưởng Phát triển Xã hội Warawut Silpa-archa đã bác bỏ lời kêu gọi tăng lương hưu lên gần 3.000 bath mỗi tháng, với lý do không đủ khả năng chi trả.
Chusri Kaewkhio, 73 tuổi, sống với người chồng 75 tuổi Suchart tại khu ổ chuột Klong Toey ở Bangkok. Ảnh: Lillian SUWANRUMPHA / AFP
Chusri Kaewkhio (73 tuổi) ở khu ổ chuột Khlong Toei ở Bangkok, luôn ước chính phủ có thể hỗ trợ nhiều hơn vì hiện tại chi phí sinh hoạt đang tăng vọt và phải chăm sóc người chồng 75 tuổi ốm liệt giường nhiều năm.
Mỗi tháng, Kaewkhio đều phải vay tiền để mua sữa cho chồng và thường xuyên chậm trẻ tiền điện 5 tháng. "Tôi không biết cầm cự được đến bao giờ bởi số nợ ngày càng lớn", bà nói.
Theo truyền thống, người Thái Lan luôn kỳ vọng con cái trưởng thành sẽ chăm sóc cha mẹ khi về già. Tuy nhiên, nhà kinh tế học Burin cho rằng điều này không bền vững về lâu dài khi nền kinh tế phải vật lộn với lực lượng lao động ít hơn, tốc độ tăng trưởng chậm và lạm phát tăng. Điều này khiến nhiều người lớn tuổi tại nước này buộc phải đi làm, do không còn tiền tiết kiệm.
Suốt 30 năm làm việc trong ngành giáo dục nhưng ông Aew (70 tuổi) thừa nhận lương không đủ sống. Mức lương thấp khiến ông không dám kết hôn, bị mất nhà trong đại dịch và phải ngủ trên ghế ở ga xe lửa Bang Sue Grand.
"Lương hưu không đủ. Tôi bắt buộc phải làm thêm hoa nhựa để bán rong. Tôi không dám nghỉ ngơi bởi nghỉ là không có cái ăn", ông nói.
Link nội dung: https://nguyendangtuan.vn/tinh-canh-khon-kho-cua-nguoi-gia-thai-lan-a11.html