Người Việt trên đất Thái

Trong khoảng 200 năm, với nhiều đợt di cư khác nhau, cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan hiện có khoảng 100 nghìn người. Người Việt trên đất Thái thành công trong hội nhập sâu rộng, với nhiều doanh nhân thành đạt. Song, dù đã nhập cư vào Thái Lan một thời gian dài, với cộng đồng người Việt nơi đây, hai tiếng nguồn cội luôn hết sức thiêng liêng.

kieu-bao-thai-tgbd-1698551225.jpg
Người Việt đến thăm khu tưởng niệm Bác Hồ trên đất nước Thái Lan. 

Đất nước Thái Lan có một nền ẩm thực “có hạng” trong khu vực. Khách du lịch đến Thái Lan luôn bị các món ăn địa phương chinh phục. Nhưng ở Thái Lan, nhất là ở các tỉnh phía Đông Bắc, có một món ăn mà nhiều người biết đến, đó là món nem nướng của thương hiệu “VT Namnueng”. “Namnueng” là cách người Thái đọc hai chữ “nem nướng”.

Điều ngạc nhiên, chính là một món ăn gốc Việt. Trên con đường Phosri sầm uất nhất tỉnh Udon Thani, cửa hàng VT Namnueng là một cửa hàng lớn, có diện tích lên đến 1.800m2, suốt ngày nườm nượp người đến thưởng thức. Chủ nhân của “VT Namnueng” là ông Hồ Văn Lâm (tên Thái là Thong Kunthangvawat) - Chủ tịch Hội doanh nhân Thái- Việt. Ba ông Hồ Văn Lâm là một người gốc Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế). Xứ Huế có món nem lụi nổi tiếng. Gia đình ông Lâm đã đem món ăn này đến Thái Lan, mở cửa hàng tại tỉnh Noong Khai. Người Thái không nói được từ “nem lụi”, nên mẹ ông Lâm đã gọi món đặc sản của mình là nem nướng.

Ông Lâm theo nghề may trước khi trở lại với nghề gia truyền của gia đình vào thập niên 1990. Với sự nhạy bén của một doanh nhân, ông Hồ Văn Lâm nghĩ đến việc xây dựng một thương hiệu nem nướng mạnh, chinh phục khẩu vị người Thái. VT là viết tắt của Việt – Thái, cũng tình cờ là tên chữ cái của ba mẹ ông (bà Vỵ - ông Tuân).

Sau thành công của những cửa hàng đầu tiên, ông Tuân từng bước “làm lớn”, xây dựng chuỗi cửa hàng VT Namnueng. Đến thời điểm này, VT Namnueng đã có mặt ở gần 50 tỉnh thành khắp Thái Lan. Ông Lâm luôn tự hào mình không chỉ gìn giữ mà còn đưa được “chất Việt” đến với người Thái. Nhiều người Thái ưa chuộng món nem nướng của gia đình ông và đều biết đến đó là món ăn Việt Nam. Khi được hỏi về lối sống của gia đình, ông Lâm chia sẻ: “Cuộc sống hàng ngày của gia đình tôi ở Thái Lan hầu như đều còn giữ những thói quen, phong tục của người Việt. Điều này thể hiện rõ qua những bữa ăn và các nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên trong các ngày giỗ, ngày Tết cổ truyền của Việt Nam”.

Câu chuyện thành công của ông Lâm là một trong những điển hình của người Việt ở Thái Lan. Hội nhập qua nhiều thế hệ, nhưng vẫn giữ những “nếp nhà” người Việt và không ngừng tìm cách quảng bá văn hóa Việt nơi xa xứ. Cộng đồng người Việt ở Thái Lan là cộng đồng khá lớn. Trong suốt khoảng 200 năm, người Việt đã nhiều lần di cư sang Thái Lan. Hiện, con số người Việt ở “xứ chùa vàng” lên tới khoảng 100 nghìn người. Người Việt trên đất Thái vừa có Tổng Hội cấp quốc gia, vừa có các tỉnh hội; đồng thời, còn có Hiệp hội Doanh nhân Thái – Việt.

Ngoài ông Hồ Văn Lâm, còn nhiều người Việt khác trở thành những chủ doanh nghiệp lớn ở Thái Lan như: Ông Cao Văn San ở tỉnh Sakon Nakhon, ông Nguyễn Ngọc Thìn ở tỉnh Mucdahan, ông Lương Xuân Hòa, ông Hồ Văn Lâm ở tỉnh Udon Thani, ông Nguyễn Viết Bé ở tỉnh Khon Kaen… Thương mại Việt Nam – Thái Lan trong năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn đạt con số 18,8 tỷ USD. Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, những doanh nhân Việt kiều ở Thái Lan có vai trò không nhỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Thìn - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Mucdahan chia sẻ: Doanh nhân kiều bào không chỉ có kinh tế vững vàng mà còn luôn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Thái Lan và cũng là cầu nối gắn kết giữa doanh nghiệp hai nước trong việc việc quảng bá sản phẩm, thu hút người tiêu dùng biết và sử dụng hàng Việt Nam.

Do yếu tố lịch sử, phần lớn kiều bào Việt Nam sống ở vùng Đông Bắc, với khoảng 80 nghìn người. Kiều bào ở Thái Lan cũng là một hình mẫu của việc giữ gìn văn hóa của cha ông dù ở nơi xa xứ. Ở vùng đất này, những công trình mang đậm “chất Việt” được bà con chung tay xây dựng và giữ gìn như: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bản Nỏng Ôn, tỉnh Udon Thani, Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nakhon Phanom, Công viên Hữu nghị Thái Việt và Chùa Một cột ở tỉnh Khỏn Kèn...

Theo ông Chu Đức Dũng - Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Khỏn Kèn, việc duy trì tiếng Việt cho thế hệ tương lai luôn được kiều bào quan tâm với mong muốn: Tiếng Việt còn thì người Việt còn. Không chỉ những lớp dạy tiếng Việt miễn phí, nhiều hình thức dạy học đa dạng, sinh động được thực hiện trong cộng đồng. Nhiều gia đình trong nhà bố mẹ chỉ nói chuyện với con bằng tiếng Việt. Điều này giúp đông đảo con em kiều bào không bị mai một tiếng Việt, tình cảm với quê hương đất nước được tiếp tục bồi đắp qua nhiều thế hệ.

Thái Lan là đất nước Phật giáo, là xứ sở chùa chiền, nhưng cũng là nơi có nhiều chùa Việt. Khi đặt chân đến Thái Lan cách đây hàng trăm năm, những thế hệ người Việt đi trước đã dựng chùa, tô tượng, đúc chuông. Trải qua quãng thời gian đằng đẵng hàng thế kỷ, các ngôi chùa Việt ở đất Thái, với các nhà tu hành gốc Việt vẫn duy trì những bản sắc riêng, cả về đường lối tu hành lẫn sinh hoạt văn hóa”.

Ở Thái Lan hiện có tới 21 ngôi chùa Việt. Không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh, đây còn là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng, dạy tiếng Việt. Ở tỉnh Udon Thani, chùa Khánh An được biết đến như một trung tâm dạy tiếng Việt thân quen của bà con xa xứ. Năm 2014, Hiệp hội doanh nhân Thái – Việt đã tài trợ xây dựng những dãy nhà trong khuôn viên chùa làm nơi học tập. Sau đó, những lớp học tiếng Việt được mở dành cho nhiều đối tượng khác nhau.

Đến giờ, chùa Khánh An là trung tâm học tập tiếng Việt lớn nhất trên địa bàn. Đây còn là nơi tổ chức các lễ kỷ niệm của cộng đồng người Việt, nhất là các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2/9… Chùa Tam Bảo là một trong những ngôi chùa cổ của người Việt, được xây dựng cách đây 106 năm mới đây cũng đã tổ chức lễ gắn biển tên tiếng Việt.

Ông Lương Xuân Hòa - Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani chia sẻ: Tên chùa là Tam Bảo có từ xưa và các thầy cũng tụng kinh theo tiếng Việt như kiểu xưa. Đối với cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan, các chùa Việt vừa là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo cộng đồng Phật tử, có vai trò gắn kết cộng đồng, gìn giữ, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam tại Thái Lan, vừa có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ về các nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Trong chuyến công tác của Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đến Thái Lan mới đây, đại diện cộng đồng người Việt tại Thái Lan đã đề nghị Chính phủ Việt Nam thông qua các hiệp định thương mại gỡ bỏ các hàng rào kỹ thuật để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam theo đường chính ngạch. Đồng thời quan tâm đầu tư vào việc bảo quản và chế biến nông sản đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, thúc đẩy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Người Việt ở Thái Lan mong muốn Việt Nam tổ chức các chương trình kết nối thương mại giữa doanh nghiệp Việt kiều với doanh nghiệp trong nước thông qua các hoạt động về nước tìm hiểu thị trường, thăm quan cơ sở sản xuất, chế biến. Đồng thời, đề nghị các cơ quan liên quan trong nước phối hợp với Bộ Giáo dục Thái Lan đưa tiếng Việt thành môn học được giảng dạy tại các trường của Thái Lan, giúp giới trẻ Việt có điều kiện học tiếng Việt tốt hơn, thêm gắn bó với quê hương.

Cộng đồng người Việt ở Thái Lan là một trong những cộng đồng Việt kiều lâu đời nhất trên thế giới. Những lớp người Việt đầu tiên đến đất Thái đã cách đây khoảng 200 năm. Xa cách về không gian địa lý, xa cội nguồn về thời gian và đã hội nhập sâu rộng vào xã hội Thái Lan, nhưng cộng đồng người Việt ở đây luôn hướng về Tổ quốc, luôn có ý thức giữ gìn những nét văn hóa truyền thống. Đồng thời, nhiều doanh nhân kiều bào đã có đóng góp tích cực cho đất nước.

 

Link nội dung: https://nguyendangtuan.vn/nguoi-viet-tren-dat-thai-a8.html